Toàn cảnh cửa ô Quan Chưởng
Được xây dựng từ năm 1749 đến năm 1817, Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà (tức cửa phường Đông Hà) nằm ở phía Đông tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long. Nhằm ghi nhớ sự hi sinh của viên Chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn, chiến đấu chống Pháp khi chúng đánh thành Hà Nội nên cửa ô đã được gọi là Ô Quan Chưởng.
Cánh cửa chính của Ô Quan Chưởng nhìn ra hướng cầu Long Biên
Ô Quan Chưởng gồm 2 tầng và được xây dựng theo kiểu vọng lầu – một kiểu kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn; tầng thứ nhất có 3 cửa, cửa chính nằm ở giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1,65m, cao 2,5m. Điểm đặc biệt là cả 3 cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn; tầng thứ 2 có vọng lầu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị.
Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lầu là một khung hình chữ nhật, cao gần 1m, rộng khoảng 3m, có đắp nổi ba chữ Hán “Đông Hà Môn”. Tường phía bên trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử cùng sự biến đổi của thời tiết, cửa Ô Quan Chưởng phải trùng tu, sửa chữa lại nhiều lần. Do vậy, những lớp rêu phong và nét cổ kính xưa ít nhiều đã bị mai một, xong nơi đây vẫn là một trong những “dấu ấn Hà Nội xưa”.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.